CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN - A
Mt 21, 28-32
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Hôm nay thánh sử Matthêu kể cho chúng ta nghe một câu chuyện khá thú vị: một người Cha có hai người con. Một hôm ông nói với hai con rằng: hôm nay các con đi làm vườn nho cho cha! Hai người con đã đáp lại bằng hai thái độ khác nhau; người con thứ nhất đã nói “không” trước lời mời gọi của Cha: “không, con không đi”. Nhưng sau đó, anh ta nghĩ lại rồi quyết định đi. Ngược lại, người con thứ hai, đã tỏ ra lễ phép và vâng phục: “Thưa cha, con sẽ đi”, nhưng rồi không đi, anh chỉ nói mà không làm.
Qua câu chuyện trên, ai cũng hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì. Ngài muốn nói với chúng ta: muốn vào Nước Trời, vấn đề không phải chỉ nói “có” ngoài môi miệng, mà phải làm theo ý của Chúa Cha. Hai người con trong câu chuyện trên, không có người nào đem lại niềm vui trọn vẹn cho cha mình. Tuy nhiên, người con thứ nhất rõ ràng là tốt hơn người con thứ hai. Bởi vì, tuy lúc đầu anh đã nói không, rồi sau đó anh đã đi làm theo ý Cha. Phải chăng qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn tìm một người con thứ ba, nói đi làm là làm ngay, để làm đẹp lòng Cha mọi đàng!
Trước hết, chúng ta cùng quan sát người con thứ hai. Anh ta khi nghe cha bảo đi làm vườn nho, liền thưa “Vâng” thật mau mắn, nhưng cuối cùng anh ta chẳng làm gì. Thái độ của anh chắc chắn không đẹp lòng cha, bởi lẽ lời hứa không bao giờ thay thế được những nghĩa cử. Người con thứ hai này tỏ ra lịch sự bên ngoài, khi lễ phép trả lời: Thưa vâng, nhưng rồi lại không đi làm. Lễ phép suông là một việc giả dối, hảo huyền. Lễ phép thật là vâng lời, thực hiện một cách sẵn lòng, vui vẻ. Đạo Kitô dạy các tín hữu thực hành chứ không phải hứa hẹn. Người kitô hữu đích thật là người đón nhận mệnh lệnh của Cha với thái độ vâng phục và kính trọng, là người chấp nhận mệnh lệnh và thi hành trọn vẹn, nói làm là làm ngay.
Ngày nay, người ta thường nói: “con đường dài nhất là con đường từ đầu đến tay”. Người kitô hữu chúng ta vẫn có nguy cơ rơi vào một thứ “duy tâm” nào đó. Nhiều người chỉ nghe Lời Chúa bằng tai, rồi dừng lại đó, khômg dám đi xa hơn, vì sợ phải hy sinh, phải từ bỏ. Có câu chuyện vui như sau:
Tại một giáo xứ nọ, cứ mỗi năm có một chủ đề sống. Chủ đề năm ấy là “Mau mắn quảng đại chia sẻ cho người nghèo”. Vào dịp đầu năm mới, Cha xứ muốn mỗi người nói lên quyết tâm của mình trong ngày đầu năm, Ngài hỏi một người trong cộng đoàn:
· Ông Hai! Ông có sẵn sàng sống bác ái chia sẻ theo chủ đề của Giáo xứ không?
· Vâng! Con nhất trí ạ! Oâng Hai trả lời.
· Vậy, nếu ông có hai con bò, ông sẽ góp quỹ tặng cho người nghèo một con chứ?
· Ông Hai hiên ngang trả lời trước Cha xứ và cộng đoàn: Đương nhiên rồi thưa Cha!
· Nếu ông có hai căn nhà, ông hứa dâng một căn cho Giáo xứ chứ!
· Ông dõng dạc tuyên bố: Bảo đảm trăm phần trăm, thưa Cha.
· Nếu ông có hai con gà, ông sẽ nhường lại cho người nghèo một con, phải không?
· Ồ, không được, thưa Cha.
· Cha xứ ngạc nhiên hỏi: Sao vậy? Tôi không hiểu. Sao nãy giờ, ông luôn nói đồng ý mà bây giờ, ông lại nói không?
· Ông Hai thành thực thú nhận: Những thứ trước, Cha hỏi, nhà con không có, còn gà, nhà con có nhiều ạ!
Thế đó, ông Hai đã sẵn sàng nói sống bác ái, nhưng với những gì không đụng chạm đến cuộc sống của ông. Còn nếu việc bác ái đó cần đến một sự hy sinh nào đó của chính bản thân, cho dù đó chỉ là một con gà, thì ông không dám. Hình ảnh người con thứ hai và ông Hai trong câu chuyện trên đây, có lẽ một cách nào đó, đây cũng là hình ảnh của mỗi một chúng ta. Chúng ta vẫn lớn tiếng tuyên xưng rằng mình mến Chúa hết lòng và yêu anh em như chính mình trong Nhà Thờ này, nhưng khi trở về trong cuộc sống, có lẽ chúng ta chưa thực sự sống bác ái như Chúa muốn. Chúng ta còn quá nhiều ganh tị, hờn ghét, lười biếng, đam mê và ích kỷ. Chúng ta còn mang cái tôi nặng nề với những lo toan và sợ hãi, những tính toán và vun quén cho chính mình. Để rồi chúng ta hứa hẹn thì thật nhiều mà chưa sống được bao nhiêu.
Còn người con thứ nhất mặc dù đã trả lời “Không”, nhưng sau đó, anh ta đã hối hận và đã ra đi. Đó là thái độ đẹp lòng cha hơn. Trong thân phận con người, với kinh nghiệm của bản thân, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều nhận thấy rằng, con người của chúng ta thật là yếu đuối, bất toàn. Biết bao điều lầm lỡ, yếu đuối chúng ta không muốn mà chúng ta vẫn làm. Nhưng dù vậy, Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc chúng ta. Ngài vẫn chờ chúng ta trở về để cứu sống chúng ta, như lời Ngài nói qua miệng ngôn sứ Êdêkien mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một: “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chứ không phải chết”. Người con thứ nhất đã nói “Không” trước lời mời gọi của Cha, nhưng sau đó anh ta đã hối hận và ra đi làm vườn nho. Thái độ của người con thứ nhất này phần nào làm thoả mãn lòng Cha. Tuy nhiên, thái độ đẹp lòng Cha hơn cả có lẽ đó là thái độ của người con thứ ba, nói là làm ngay. Hình ảnh của người con thứ ba này được thánh Phaolô mô tả tỉ mỉ trong thư gởi tín hữu Philipphê mà chúng ta vừa nghe. Đó chính là Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô nói: “Người tuy là thân phận Thiên Chúa,… nhưng đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”. Đó mới đúng là người con đẹp lòng Cha nhất. Người con này đã thưa: “Này con xin đến, … để thi hành ý muốn Người, lạy Thiên Chúa” và đã thực hiện mọi sự đúng theo ý muốn của Cha cho dù phải uống chén đắng thập giá. Chính Chúa Cha đã nhiều lần xác nhận: “Này là Con chí ái Ta, đẹp lòng ta mọi đàng”.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn sống theo gương mẫu của Đức Kitô, Nghĩa là chúng ta hãy can đảm thưa “Vâng” trước lời mời gọi của Chúa và sống đúng với lời thưa vâng đó. Như thế, Thánh Lễ không kết thúc ở Nhà Thờ này, nhưng sẽ được tiếp tục trong suốt cuộc đời của chúng ta, trong đời sống vâng phục, chia sẻ, bác ái hàng ngày của chúng ta. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét