NGUYỆN XIN THIÊN CHÚA BAN MUÔN HỒNG ÂN ĐẾN QUÝ VỊ VÀ ANH CHỊ EM

GIÁO XỨ KẺ VĂN SẼ THƯỜNG XUYÊN CẬP NHẬT NHỮNG THÔNG TIN MỚI NHẤT

VỀ SINH HOẠT CỦA GIÁO XỨ ĐẾN QUÝ VỊ VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN THUỘC GIÁO XỨ KẺ VĂN

HIỆN ĐANG SINH SỐNG TẠI GIÁO XỨ,TRÊN MỌI MIỀN ĐẤT NƯỚC CŨNG NHƯ Ở HẢI NGOẠI

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

TIỂU SỬ THÁNH GIUSE LÊ ĐĂNG THỊ

Thánh Giuse Lê Đăng Thị
Kính ngày: 24/10
CUỘC XƯNG ĐẠO VÀ TỬ ĐẠO
CỦA CAI ĐỘI GIUSE LÊ ĐĂNG THỊ
(bị bắt 29-1-1860, xử trảm 24-10-1860 tại Huế)
Giuse Lê Đăng THỊ, sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị. Làm Cai Đội dưới thời vua Tự Đức, xử giảo ngày 24-10-1860 tại An Hòa, phong Chân Phước ngày 02-5-1909 do Đức Piô X, phong hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988 do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, kính ngày 24-10.
Cha Thanh giúp đỡ ông đội Thị khi ông ở trong tù và có mặt trong lúc hành quyết ông. Ngay sau khi hành quyết, Cha đã viết bài tường thuật về cuộc đời can đảm và tử đạo của ngài. Trong phần cuối bài tường thuật, cha quả quyết rằng trong thời gian ở tù, ông đội Thị đã khuyên được một người bị kết án vì tội trộm cướp trở lại đạo, và chính ngài dậy dỗ và rửa tội cho người này. Người trộm này đã can đảm từ chối thức ăn của người em có chất độc làm chết êm dịu, trái lại sẵn sàng chịu hình khổ để đền tội.
Theo bài tường thuật của Cha Thanh, cùng lời khai của các linh mục và thầy giảng khác thì quan đội Giuse Lê Đăng Thị sinh khoảng năm 1825 tại làng Văn Quỹ, tỉnh Quảng Trị, là con một của quan đội Công Giáo tên Tư, đệ nhị phẩm. Cha mẹ mất sớm, ngài được vào học trong Quốc Tử Giám, trường dành cho các quan trong triều. Sau bốn năm năm học ngài được phong làm quan cai đội ở tuổi 25 và sai đi làm việc ở tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây ngài lập gia đình và được hai người con. Sau đó ngài phải đổi đi Nghệ An. Người vợ quý yêu sớm từ trần khiến ngài phải tái hôn với người Công Giáo khác để trông coi việc nhà.
Tháng 8 năm 1859 quan trấn Nghệ An biết Ngài là người Công Giáo nên khuyên Ngài bỏ đạo, nhưng Ngài nhất định không nghe theo. Quan trấn Huynh Thu rất quý Ngài tìm cách cho Ngài thoát nạn bằng cách tâu về triều đình rằng Ngài bị bệnh và xin cho giải ngũ. Tạm thời Ngài để vợ con ở lại Nghệ An, một mình trở về làng Văn Quỹ là nhà quê để trốn tránh qua thời. Ngài khởi sự làm nhà vừa xong và mới được bốn tháng thì thánh ý Chúa định cho Ngài được triều thiên tử đạo, nên khi vua Tự Đức ra lệnh bắt các quan Công Giáo vào ngày 16-12-1859 thì Ngài bị lương dân trong làng tố giác với các quan. Ông đội Thị bị gọi lên tỉnh đầu tháng Giêng 1860. Quan tra hỏi rồi cho ông về, hẹn ngày 29 trở lạị Đúng ngày, quan đội Thị trở lại và bị bắt giam vào ngục ở Quảng Trị chờ các quan Công Giáo khác giải đến sẽ tra hỏi chung một lần. Cuối tháng hai quan đội Thị cùng với quan khác tên Nguyệt vừa bị đe dọa vừa bị dụ dỗ bỏ đạo. Ông đội Thị và các bạn vững lòng xưng đạo khiến quan trấn tức giận truyền đóng gông thật nặng cho các ngài, giam vào ngục tối chật hẹp và không cho ai lui tới.
Những khốn khổ trong nhà tù không lung lay đức tin gan dạ của người lính dũng cảm, Ngài viết thư cho vợ con với mấy lời âu yếm: "Tôi định là sau mấy tháng làm nhà xong sẽ đem Mình và các con về nhưng sự việc xảy ra khác thường, tôi bị các quan bắt, chúng ta chẳng còn trông thấy nhau dưới cõi thế này nữa, tôi gửi mình hai lượng để chứng tỏ tôi không khi nào quên gia đình và hằng thương nhớ luôn mãi". Thầy Sáu Biện cùng bị giam trong tù làm chứng rằng Ngài vẫn vui vẻ luôn, không chịu để cho lính bên lương chê cười người Công Giáo. Ngoài giờ đọc kinh sáng tối và lần hạt, ông đội Thị siêng năng đan giầy rơm để tặng bạn bè. Dần dà sự canh phòng được nới rộng, quan đội có thể ra làng Cổ Vưu (Trí Bưu) để xưng tội, dự lễ tại nhà thầy thuốc Thìn.
Cuối tháng 7 quan đội bị điệu ra trước tòa lần nữa nhưng ngài vẫn một lòng trung kiên xưng đạo. Ngài thưa với quan: "Nếu vua và các quan có lòng thương, tôi đội ơn, nhưng không bao giờ tôi bước trên ảnh Chúa".
Thật vậy, ngài rất ghê tởm tội chối đạo, coi đó là tội ác nặng nhất.
Ngài nói với bạn hữu: "Thiên Chúa xóa bỏ mọi tội nhưng mặc dù Ngài từ bi thương xót, không biết Ngài có xóa bỏ tội chối đạo không. Đó không phải là tội lớn nhất sao? Thà chịu chết còn hơn chối đạo".
Cha Thọ hỏi ngài có muốn chết vì đạo không, ngài đã trả lời là muốn hết lòng hết sức. Ngài nói: "Con chịu mọi sự khổ vì Chúa, nếu vua tha chết thì hay nhưng nếu ngài kến án phải chết lại càng hay hơn nữa. Con không biết người ta để cho con sống hay phải chết, con muốn cả hai".
Sau cùng đến tháng 8 Ngài bị kết án thắt cổ giam hậu và giải về khám đường ở Huế. Tại đây Ngài gặp rất nhiều người Công Giáo bị giam giữ và cùng với họ sốt sắng cầu nguyện mỗi ngày. Đặc biệt Ngài khuyên được một người trộm trở lại đạo. Sau nhiều tháng chịu khổ cực Ngài bị kiệt sức và ốm. Ngài lo sợ nói với bạn bè: "Tôi không biết Chúa có thương cho tôi sống lâu để được phúc tử đạo không, hay phải chết sớm vì bệnh. Tôi chỉ ước mong có một điều là được tử đạo, nhưng có lẽ Chúa không chấp nhận vì tội lỗi của tôi".
Thiên Chúa đã nhận tấm lòng thành và trung kiên của Ngài, ngày 22-9 các quan báo tin cho Ngài biết sẽ đem đi hành quyết. Dù đang ốm nặng, Ngài chỗi dậy như người khoẻ mạnh, vui mừng ăn uống và đi chào thăm các bạn tù lần cuối cùng. Nhưng lệnh lại bị hoãn lại. Năm ngày sau lại có lệnh hành quyết rồi lại hoãn lại. Ba ngày sau lại có lệnh khác như kéo dài cơn hấp hối của Ngài. Quan đội được tăng sức mạnh nhờ Cha Lợi lẻn vào trong tù giải tội và trao Mình Thánh Chúa. Ngày 23-10 ngài biết chắc mình sẽ bị hành quyết hôm sau, ngài hô lên: "Thật vui mừng, thật là mừng".
Thầy Biện nói với ngài: "Ngày mai trên đường hoặc tại nơi xử nếu trông thấy tôi thì biết chắc có linh mục đi theo, hãy thống hối để lãnh bí tích giải tội".
Sáng 24-10, quan lính đến dẫn Ngài ra pháp trường, quan giám sát còn dụ Ngài hãy bỏ đạo, vua sẽ tha ngay, nhưng Ngài cương quyết trả lời: "Không bao giờ, tôi muốn chịu chết và trung thành với Chúa đến giây phút cuối cùng".
Thế là mọi người bước ra pháp trường. Một tên lính mang tấm thẻ bài ghi những dòng chữ: "Lê Đăng Thị, tước quan đội, theo tà đạo và cố chấp không chịu bỏ, tội không thể tha nên phải kết án cuối Mùa Thu. Lệnh phải thi hành ngay". Trên đường quan đội Thị vui cười bước đi, chào hỏi những người đứng bên đường.
Tới chợ An Hòa, Cha Thanh làm phép giải tội lần cuối, bà Mai trải chiếu xuống đất, vị anh hùng xưng đạo quỳ cầu nguyện. Quan ra lệnh đè người tử tù sấp mặt xuống đất, chân tay trói vào các cọc, tháo gông và xích. Sợi giây thừng choàng vào cổ và theo lệnh, lý hình kéo thật mạnh cho tới khi linh hồn người lính trung kiên của Chúa tắt thở về lĩnh ngành vạn tuế thắng trận. Lúc ấy khoảng giờ thứ mười ban sáng. Xác ngài được chôn cất ở họ Phủ Cam.
Đức Thánh Cha Piô X đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 02/5/1909.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Ngài lên bậc Hiển Thánh ngày 19/6/1988.
Hiện xác Thánh của Ngài đang được tôn kính tại Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế.
Lạy Thánh Giuse Lê Đăng Thị, xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con là con cháu của Ngài.

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

GIÁO DÂN KẺ VĂN ĐẾN NHÀ THỜ TRONG NHỮNG NGÀY LŨ LỤT

Gia đình này có lẽ cần 1 chiếc ghe mới an toàn..!







"Đò về Bến đợi"


Cậu bé này rất "gân"


Lăng 264 Vị Từ Vì Đạo ngập trong biển nước


Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN A

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN - A
Mt 21, 28-32
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Hôm nay thánh sử Matthêu kể cho chúng ta nghe một câu chuyện khá thú vị: một người Cha có hai người con. Một hôm ông nói với hai con rằng: hôm nay các con đi làm vườn nho cho cha! Hai người con đã đáp lại bằng hai thái độ khác nhau; người con thứ nhất đã nói “không” trước lời mời gọi của Cha: “không, con không đi”. Nhưng sau đó, anh ta nghĩ lại rồi quyết định đi. Ngược lại, người con thứ hai, đã tỏ ra lễ phép và vâng phục: “Thưa cha, con sẽ đi”, nhưng rồi không đi, anh chỉ nói mà không làm.
         Qua câu chuyện trên, ai cũng hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì. Ngài muốn nói với chúng ta: muốn vào Nước Trời, vấn đề không phải chỉ nói “có” ngoài môi miệng, mà phải làm theo ý của Chúa Cha. Hai người con trong câu chuyện trên, không có người nào đem lại niềm vui trọn vẹn cho cha mình. Tuy nhiên, người con thứ nhất rõ ràng là tốt hơn người con thứ hai. Bởi vì, tuy lúc đầu anh đã nói không, rồi sau đó anh đã đi làm theo ý Cha. Phải chăng qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn tìm một người con thứ ba, nói đi làm là làm ngay, để làm đẹp lòng Cha mọi đàng!
Trước hết, chúng ta cùng quan sát người con thứ hai. Anh ta khi nghe cha bảo đi làm vườn nho, liền thưa “Vâng” thật mau mắn, nhưng cuối cùng anh ta chẳng làm gì. Thái độ của anh chắc chắn không đẹp lòng cha, bởi lẽ lời hứa không bao giờ thay thế được những nghĩa cử. Người con thứ hai này tỏ ra lịch sự bên ngoài, khi lễ phép trả lời: Thưa vâng, nhưng rồi lại không đi làm. Lễ phép suông là một việc giả dối, hảo huyền. Lễ phép thật là vâng lời, thực hiện một cách sẵn lòng, vui vẻ. Đạo Kitô dạy các tín hữu thực hành chứ không phải hứa hẹn. Người kitô hữu đích thật là người đón nhận mệnh lệnh của Cha với thái độ vâng phục và kính trọng, là người chấp nhận mệnh lệnh và thi hành trọn vẹn, nói làm là làm ngay.
Ngày nay, người ta thường nói: “con đường dài nhất là con đường từ đầu đến tay”. Người kitô hữu chúng ta vẫn có nguy cơ rơi vào một thứ “duy tâm” nào đó. Nhiều người chỉ nghe Lời Chúa bằng tai, rồi dừng lại đó, khômg dám đi xa hơn, vì sợ phải hy sinh, phải từ bỏ. Có câu chuyện vui như sau:
Tại một giáo xứ nọ, cứ mỗi năm có một chủ đề sống. Chủ đề năm ấy là “Mau mắn quảng đại chia sẻ cho người nghèo”. Vào dịp đầu năm mới, Cha xứ muốn mỗi người nói lên quyết tâm của mình trong ngày đầu năm, Ngài hỏi một người trong cộng đoàn:
·        Ông Hai! Ông có sẵn sàng sống bác ái chia sẻ theo chủ đề của Giáo xứ không?
·        Vâng! Con nhất trí ạ! Oâng Hai trả lời.
·        Vậy, nếu ông có hai con bò, ông sẽ góp quỹ tặng cho người nghèo một con chứ?
·        Ông Hai hiên ngang trả lời trước Cha xứ và cộng đoàn: Đương nhiên rồi thưa Cha!
·        Nếu ông có hai căn nhà, ông hứa dâng một căn cho Giáo xứ chứ!
·        Ông dõng dạc tuyên bố: Bảo đảm trăm phần trăm, thưa Cha.
·        Nếu ông có hai con gà, ông sẽ nhường lại cho người nghèo một con, phải không?
·        Ồ, không được, thưa Cha.
·        Cha xứ ngạc nhiên hỏi: Sao vậy? Tôi không hiểu. Sao nãy giờ, ông luôn nói đồng ý mà bây giờ, ông lại nói không?
·        Ông Hai thành thực thú nhận: Những thứ trước, Cha hỏi, nhà con không có, còn gà, nhà con có nhiều ạ!
Thế đó, ông Hai đã sẵn sàng nói sống bác ái, nhưng với những gì không đụng chạm đến cuộc sống của ông. Còn nếu việc bác ái đó cần đến một sự hy sinh nào đó của chính bản thân, cho dù đó chỉ là một con gà, thì ông không dám. Hình ảnh người con thứ hai và ông Hai trong câu chuyện trên đây, có lẽ một cách nào đó, đây cũng là hình ảnh của mỗi một chúng ta. Chúng ta vẫn lớn tiếng tuyên xưng rằng mình mến Chúa hết lòng và yêu anh em như chính mình trong Nhà Thờ này, nhưng khi trở về trong cuộc sống, có lẽ chúng ta chưa thực sự sống bác ái như Chúa muốn. Chúng ta còn quá nhiều ganh tị, hờn ghét, lười biếng, đam mê và ích kỷ. Chúng ta còn mang cái tôi nặng nề với những lo toan và sợ hãi, những tính toán và vun quén cho chính mình. Để rồi chúng ta hứa hẹn thì thật nhiều mà chưa sống được bao nhiêu.
Còn người con thứ nhất mặc dù đã trả lời “Không”, nhưng sau đó, anh ta đã hối hận và đã ra đi. Đó là thái độ đẹp lòng cha hơn. Trong thân phận con người, với kinh nghiệm của bản thân, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều nhận thấy rằng, con người của chúng ta thật là yếu đuối, bất toàn. Biết bao điều lầm lỡ, yếu đuối chúng ta không muốn mà chúng ta vẫn làm. Nhưng dù vậy, Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc chúng ta. Ngài vẫn chờ chúng ta trở về để cứu sống chúng ta, như lời Ngài nói qua miệng ngôn sứ Êdêkien mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một: “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chứ không phải chết”. Người con thứ nhất đã nói “Không” trước lời mời gọi của Cha, nhưng sau đó anh ta đã hối hận và ra đi làm vườn nho. Thái độ của người con thứ nhất này phần nào làm thoả mãn lòng Cha. Tuy nhiên, thái độ đẹp lòng Cha hơn cả có lẽ đó là thái độ của người con thứ ba, nói là làm ngay. Hình ảnh của người con thứ ba này được thánh Phaolô mô tả tỉ mỉ trong thư gởi tín hữu Philipphê mà chúng ta vừa nghe. Đó chính là Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô nói: “Người tuy là thân phận Thiên Chúa,… nhưng đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”. Đó mới đúng là người con đẹp lòng Cha nhất. Người con này đã thưa: “Này con xin đến, … để thi hành ý muốn Người, lạy Thiên Chúa” và đã thực hiện mọi sự đúng theo ý muốn của Cha cho dù phải uống chén đắng thập giá. Chính Chúa Cha đã nhiều lần xác nhận: “Này là Con chí ái Ta, đẹp lòng ta mọi đàng”.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn sống theo gương mẫu của Đức Kitô, Nghĩa là chúng ta hãy can đảm thưa “Vâng” trước lời mời gọi của Chúa và sống đúng với lời thưa vâng đó. Như thế, Thánh Lễ không kết thúc ở Nhà Thờ này, nhưng sẽ được tiếp tục trong suốt cuộc đời của chúng ta, trong đời sống vâng phục, chia sẻ, bác ái hàng ngày của chúng ta. Amen.